Từng sợ tiếng Anh, không theo kịp các bạn, Nguyễn Như Ý, 30 tuổi, đã cố gắng cải thiện để giành học bổng du học và trở thành cô giáo.
Nguyễn Như Ý đạt IELTS 8.5, tiếng Pháp trình độ A2. Sau khi học Đại học RMIT tại Việt Nam, cô sang Pháp du học thạc sĩ trường Paris School of Business với học bổng Merit Grant dành cho sinh viên ưu tú năm 2012. Ý có thời gian dạy Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, sau đó trở lại Australia học thạc sĩ ngành Sư phạm, Đại học Monash. Như Ý chia sẻ cách vượt qua nỗi sợ tiếng Anh.
Nuôi dưỡng động lực học tập dài lâu và hiệu quả
Điều đầu tiên, cũng là quan trọng nhất, bạn cần có trong quá trình chinh phục học tiếng Anh là niềm đam mê mãnh liệt cho ngôn ngữ này. Nhưng hiện thực không dễ dàng như lý thuyết, vì sẽ có những lúc bạn cảm thấy chán nản vô cùng.
Những lúc ấy, bạn hãy cố gắng nhớ đến lý do vì sao phải học tiếng Anh. Có thể mục đích của bạn là nâng cao trình độ, được tăng lương, thăng chức hay du học, định cư ở quốc gia phát triển… Dù với bất kỳ mục đích nào thì khi muốn từ bỏ, bạn hãy nhớ đến lý do bắt đầu.
Từ trải nghiệm của bản thân, việc duy trì động lực và niềm đam mê cho tiếng Anh là cả quá trình khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ. Ngày cấp một, vào các tiết tiếng Anh, tôi đã rất sợ hãi chỉ vì những buổi đầu lơ là học ngữ pháp cơ bản nên bị hụt hơi, không theo kịp khi học đến kiến thức nền nối tiếp nhau sau đó.
Đến cấp hai, khi các bạn cùng lớp được tham dự đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh, tôi vẫn loay hoay học và giải bài tập cơ bản về chia thì hay chia động từ. Lên cấp ba, tôi gần như ngập lụt trong biển văn phạm vô hạn cũng như từ vựng khó nhớ. Tôi không biết làm sao thoát khỏi cảnh tiếng Anh mất gốc.
Khi ấy, tôi muốn học trường RMIT (ngôi trường chuẩn quốc tế với yêu cầu IELTS 6.5, với không kỹ năng nào dưới 6.0). Nhưng chỉ khi đứng trước nguy cơ bị vụt mất cơ hội học ở trường chất lượng cao do không có tiếng Anh tốt, tôi mới hiểu được giá trị của sự đầu tư cho việc học ngôn ngữ này.
Không có tiếng Anh, đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện nhập học. Không có tiếng Anh, tôi sẽ không thể tham dự các lớp học được giảng dạy bởi các giáo sư quốc tế. Không có tiếng Anh, tôi sẽ không đọc hiểu được tài liệu và giáo trình cũng như hoàn thành bài tập, bài thi ở RMIT.
Khi thấu hiểu nhu cầu học tiếng Anh là để “ấm vào thân”, tôi mới thật sự nghiêm túc vạch ra lộ trình học và chăm chỉ ôn thi IELTS cấp tốc để không bị nhập học trễ. Vì vậy, đặt mục đích của việc học lên hàng đầu và ngày nào cũng phải nhắc nhở bản thân về mục tiêu đó là cách nhanh nhất giúp tôi có động lực học hơn.
Thêm một lời khuyên nữa cho bạn là hãy chia nhỏ mục tiêu học tập mỗi ngày. Bạn có thể dùng tờ giấy ghi chú hai mươi từ mới cần học, xem và thuật lại phần đầu của một video tiếng Anh… Như vậy, bạn sẽ không còn cảm thấy áp lực và nhiều khi lại đam mê học hơn khi thấy bản thân tiến bộ theo từng ngày khổ luyện.
Tập trung vào thực hành tiếng Anh
Bạn đừng quá tập trung học lý thuyết ngữ pháp hay từ vựng mà không thực hành hay áp dụng vào thực tế. Hãy nghe các video ngắn hoặc theo dõi bản tin trên báo đài, tivi, radio… Đó là những kênh nghe giúp bạn học dễ vào và cảm thấy thú vị. Hơn nữa, chúng giúp bạn mường tượng được việc vận dụng hai kỹ năng nghe – nói vào những gì thiết thực trong cuộc sống và ngữ cảnh đời thường nhất.
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể đọc thêm các cuốn tiểu thuyết tiếng Anh với nội dung đơn giản và hãy bắt đầu với các tiểu thuyết dành cho trẻ nhỏ. Sau đó, bạn có thể đọc sang những chủ đề mà mình quan tâm. Khi việc học giúp các bạn dễ dàng tiếp cận và nghiên cứu về những sở thích của bản thân, đây chính là lúc bạn không cảm thấy việc học tiếng Anh nặng nề nữa.
Không ai hoàn hảo
Không ai hoàn hảo ngay từ lần đầu học. Một trong những lý do khiến bạn không thể nói trôi chảy tiếng Anh là vì bạn khao khát mọi thứ phải chính xác tuyệt đối. Với sự cầu toàn như vậy, bạn có thể cảm thấy chán nản trong việc phải ghi nhớ và sử dụng mớ ngữ pháp phức tạp khi chỉ muốn nói một điều gì đơn giản. Càng về sau, bạn sẽ dần thấy mệt mỏi khi luôn phải cố gắng để nói một câu tiếng Anh thật chuẩn xác, không phạm lỗi.
Những năm trước, tôi luôn ám ảnh làm sao để luôn chia thì đúng, làm thế nào sử dụng cấu trúc câu cao cấp trước khi muốn diễn đạt quan điểm hay suy nghĩ gì đó của bản thân. Điều này vô hình tạo rất nhiều áp lực và đôi khi dẫn đến sự ngại ngùng không muốn phát biểu bằng tiếng Anh.
Đây là một tư duy không tích cực vì cản trở tôi đến với sự hoàn thiện bản thân thông qua việc rút kinh nghiệm từ lỗi sai. Không ai có thể giỏi một kỹ năng nào đó mà không thông qua những lần va vấp. Sự kiên trì, cầu tiến trong việc sửa lỗi sai mới là chìa khóa chính giúp bạn đến với việc học ngôn ngữ thành công.
Hãy luôn nhớ nếu ngại nói vì chưa hoàn hảo, bạn sẽ không bao giờ cải thiện được khả năng tiếng Anh. Đừng sợ hãi khi mắc lỗi và bạn sẽ nhận thấy bản thân dần tiến bộ hơn.